Hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Đại học Kinh tế Quốc dân cùng Hội Cựu chiến binh đã tổ chức chuyến đi về nguồn để tưởng nhớ và tri ân các nhà cách tiền bối, thăm các địa danh lịch sử nơi khởi đầu của Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Hội CCB cùng chụp ảnh lưu niệm trước giờ khởi hành tại sảnh A1, Đại học Kinh tế Quốc dân
Cùng tham gia chuyến đi có: TS. Nguyễn Hữu Đồng - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Đại học; ThS. Vũ Trí Tuấn - Bí thư Đoàn thanh niên Đại học; GS.TS Nguyễn Quang Dong - Chủ tịch Hội CCB; cùng các thành viên Ban BCH Công đoàn, BCH Đoàn Thanh niên, BCH Hội CCB và hơn 30 thành viên Hội Cựu chiến binh.
Trên hành trình về nguồn, Đoàn đã đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, thành phố Cao Bằng. Tại Khu rừng linh thiêng này, vào ngày 22/12/1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại đây, Đoàn đã được tham quan khu phục dựng khu nhà ở, hệ thống triển lãm ảnh tại nhà trưng bày để hiểu và hình dung được nơi sinh hoạt của 34 chiến sỹ cùng quân và dân ta trong những ngày đầu thành lập.
Cũng tại đây, Đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm tại Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thăm tượng đài khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngoài 34 chiến sỹ của Đội còn có đại diện của các cơ quan trong Mặt trận Việt Minh và đồng bào các dân tộc.
Đoàn CCB dâng hương tưởng niệm tại Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thăm tượng đài Đại tướng tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
Tiếp đó, Đoàn đã đến thăm Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh với nhân dân dân tộc Choang tại số nhà 302 phố Tân Sinh, thành phố Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc nơi Bác Hồ cùng một số cán bộ đã sống và sinh hoạt trong thời gian tại Tĩnh Tây. Nhà lưu niệm còn có tên khác là Di tích văn phòng “Việt Minh” Tĩnh Tây. Đây là một trong những di tích quan trọng ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những đóng góp của đồng bào dân tộc Choang ở Tĩnh Tây đối với phong trào cách mạng Việt Nam, là minh chứng lịch sử về mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam qua nhiều thế hệ. Tại đây, Bác đã viết nhiều tác phẩm văn thơ bất hủ và các văn kiện cách mạng quan trọng, trong đó có thư “Kính cáo đồng bào”, kêu gọi toàn dân đoàn kết, đánh đuổi Pháp - Nhật xâm lược, đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Được biết, tại Di tích còn trưng bày gần 300 bức tranh, ảnh, tượng, phù điêu cùng nhiều hiện vật, bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình Người hoạt động ở Quảng Tây. Đồng thời còn trưng bày tượng, chân dung và tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí đã gắn bó với Người trong quá trình hoạt động cách mạng như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong... Ngày 13-12-2017, Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã công bố Nhà lưu niệm là “Đơn vị bảo vệ di tích văn hóa cấp khu tự trị”.
Đoàn CCB chụp ảnh lưu niệm tại Di tích văn phòng “Việt Minh” Tĩnh Tây
Nối tiếp hành trình, Đoàn đã đến thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một thời kỳ lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Người, của Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1941-1945, thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 28/1/1941, Bác trở về sau hơn 30 năm tìm đường cứu nước. Những ngày đầu Người ở nhà của gia đình dân tộc Tày ông Lý Quốc Súng. Vì có nhiều cán bộ đi theo, sợ phiền hà đến dân, Bác đã chuyển vào hang Cốc Bó ở và làm việc. Cốc Bó ẩm ướt, ít ánh sáng, sinh hoạt hằng ngày kham khổ, thiếu thốn, nhưng Bác vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng: "Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang".
Đoàn CCB tham quan khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Cao Bằng
Tiếp nối hành trình, Đoàn Cựu chiến binh đã đến thăm thác Bản Giốc. Nằm trên đường biên giới Việt - Trung, thác Bản Giốc được mệnh danh là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là thác lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới.
Kết thúc hành trình, Đoàn đã đến thăm Vườn Quốc gia Ba Bể nằm trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Được mệnh danh là “bảo vật của núi rừng Bắc Kạn”, nơi đây nổi tiếng với nhiều danh thắng đẹp. Trong đó, nổi bật hơn cả vẫn là Hồ Ba Bể - một trong hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam và thế giới.
Đoàn CCB tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại thác Bản Giốc, Cao Bằng
Đến thăm và tìm hiểu các địa danh lịch sử, các danh lam thắng cảnh tại Cao Bằng, Bắc Kạn, Đoàn Cựu chiến binh Đại học Kinh tế Quốc dân càng rõ hơn về cuộc đời cách mạng, ý chí quật cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị cách mạng tiền bối; thấy được Đất nước hùng vĩ, tươi đẹp và cùng tin tưởng vào một "Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".
Một số hình ảnh trong cuộc hành trình:
Bài và ảnh: Hội Cựu chiến binh và Phòng Truyền thông