Chiều ngày 20/9/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Đánh giá thực trạng, tiềm năng và giải pháp kết nối các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”.
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Kinh tế quốc dân PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm. Về phía Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh có PGS.TS Lê Thị Hồng Ánh - Phó Hiệu trưởng. Về phía Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN có ông Lương Văn Thường - Trưởng phòng Khởi nghiệp sáng tạo. Về phía Sở KH&CN TP.HCM có bà Lê Thị Bé Ba - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ - Saigon Innovation Hub (SIHUB); cùng đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở, ban, ngành, đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc Đề án 844 “Nghiên cứu khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp để kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ… có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
PGS.TS Lê Thị Hồng Ánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng Hội thảo
PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu đề dẫn
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam nói chung và các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng đã có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã có sự bứt phá và tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội. Các sáng kiến, giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ngày càng thể hiện được vai trò tiên phong trong việc giải quyết các vấn đề của kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024” của StartupBlink, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2024 đã tăng hai bậc từ vị trí thứ 58 lên 56. Xét trên khu vực Đông Nam Á, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 5 và vị trí thứ 12 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng thứ 31 toàn cầu về số lượng startup. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá là đạt được nhiều thành công, với sự phát triển ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, các lĩnh vực trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang thu hút vốn nhiều từ nhà đầu tư bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ thực phẩm, giải pháp doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin. Với các kỳ lân như MoMo và Sky Mavis, Việt Nam đang nổi lên là một quốc gia khởi nghiệp tại Đông Nam Á.
PGS. Bùi Huy Nhượng cũng nhấn mạnh, dù đã có một số thành tựu ấn tượng, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn hình thành, chưa bền vững, chưa đủ năng lực cạnh tranh với khu vực và thế giới, chưa tương xứng với quyết tâm và trí tuệ con người Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng phát triển.
Một trong những nguyên nhân của hạn chế này là các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hoạt động tương đối độc lập, chưa có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau để khởi tạo, nuôi dưỡng và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì vậy, PGS. Bùi Huy Nhượng cho rằng việc tăng cường kết nối các chủ thể có khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp cộng hưởng với nguồn lực từ nhà nước trong hỗ trợ nâng cao năng lực của các chủ thể trong hệ sinh thái được coi là yếu tố then chốt để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới có khả năng tăng tốc quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới, góp phần nâng cao năng lực tiếp cận và phát triển thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thay mặt ban tổ chức, Phó Giáo sư, Phó Hiệu trưởng Bùi Huy Nhượng cảm ơn Ban Giám hiệu Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh, các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nhân và các quý vị đại biểu đặc biệt là các diễn giả đã nhận lời và chia sẻ các ý tưởng kết nối các tổ chức có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào các hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng, qua đó làm rõ mục tiêu, các yếu tố cản trở, thúc đẩy việc kết nối các tổ chức có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và khu vực.
Đại diện lãnh đạo hai trường trao quà và chụp ảnh lưu niệm
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung trao đổi và làm rõ các vấn đề bao gồm: Nhận diện các tiêu chí đánh giá tiềm năng hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của một số tổ chức quan trọng như các trung tâm R&D, tổ chức chuyển giao công nghệ... Đánh giá thực trạng kết nối của các tổ chức có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào các hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam ở góc nhìn của các trường đại học; Gợi mở một số giải pháp tăng cường kết nối các tổ chức có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào các hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.
Ông Lương Văn Thường - Trưởng phòng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN trình bày: “Tiêu chí đánh giá tiềm năng hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của các tổ chức R&D, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ”
Ông Lê Nhật Quang - Phó Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Đại học quốc gia TP. HCM trình bày tham luận: “Kết nối các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Một số kinh nghiệm triển khai tại Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học quốc gia TP. HCM”
TS. Phạm Thị Hồng Phượng, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Hóa học Vật liệu, Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM; Giám đốc Trung tâm Đổi mới xanh, Viện 3AI trình bày tham luận: “Vai trò các trường đại học khối ngành kỹ thuật trong kết nối kết nối các chủ thể tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”
TS. Bùi Hồng Đăng - Phó Chủ tịch, Phụ trách Hội đồng Trường - Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận với chủ đề: “Kết nối, thu hút nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo - Góc nhìn thực tiễn từ Trường Đại học Công thương TP. HCM”
PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày tham luận: “Kinh nghiệm quốc tế trong việc kết nối các tổ chức R&D, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ vào phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST”
Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo cũng đã phân tích thực trạng, tiềm năng, định hướng và giải pháp kết nối các tổ chức nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Nguồn: https://neu.edu.vn/vi/ban-tin-neu/truong-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-phoi-hop-cung-truong-dai-hoc-cong-thuong-tp-ho-chi-minh-to-chuc-hoi-thao-cap-quoc-gia-ve-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao