Trước thềm Xuân Ất Tỵ, phóng viên Báo Dân trí đã phỏng vấn GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân về hoạt động nghiên cứu khoa học của Đại học.
PV: Xin Giáo sư giới thiệu đôi nét về hoạt động NCKH của Đại học Kinh tế Quốc dân?
Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) là Đại học trọng điểm về kinh tế đầu tiên được thành lập năm 1956 ở Việt Nam. Với sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tư vấn chính sách, ĐHKTQD luôn thể hiện vị thế của là trung tâm nghiên cứu và tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh và công nghệ ở Việt Nam. ĐHKTQD là cơ quan chủ trì thực hiện 15 đề tài cấp quốc gia. Số lượng nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước và tương đương mới do ĐHKTQD chủ trì trong năm 2024 chiếm 53,3%, trong đó có 06 đề tài thuộc Chương trình KX.01/21-30, 01 đề tài thuộc Chương trình KX.06/21-30, và 01 đề tài NAFOSTED. Đây là kết quả có tính đột phá trong hoạt động NCKH của ĐHKTQD.
GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân
ĐHKTQD nằm trong nhóm dẫn đầu các trường đại học khối kinh tế và kinh doanh về số lượng bài công bố quốc tế và mức bình quân công bố quốc tế trên một giảng viên. Các công bố quốc tế thuộc danh mục tạp chí ISI/Scopus gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Năm 2024, ĐHKTQD ghi nhận tổng số 300 bài viết trên tạp chí ISI/Scopus, tương đương 0,38 bài/1 giảng viên. Số lượng bài viết thuộc tạp chí hạng Q1 chiếm 40% tổng số công bố quốc tế, tăng mạnh so với năm 2023. Các kiến nghị chính sách của Đại học được các cơ quan Đảng, Nhà nước ghi nhận và sử dụng làm căn cứ khoa học để xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Năm 2024, nhà trường có những dấu ấn gì trong triển khai NCKH, thưa GS?
Năm 2024, ĐHKTQD đã tổ chức triển khai thực hiện gần 90 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) trong đó đề tài cấp Bộ và tương đương chiếm 60,6%. ĐHKTQD là đơn vị đứng đầu liên danh dự án xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Các chuyên gia, nhà khoa học của Đại học đã cung cấp nhiều giải pháp tư vấn có giá trị. ĐHKTQD tiếp tục tạo được uy tín và sự tín nhiệm của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, số lượng đề tài cấp Tỉnh liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2022.
Năm 2024, ĐHKTQD tổ chức thành công 30 hội thảo cấp Quốc gia và trên 10 hội thảo Quốc tế với hàng trăm bài viết chất lượng từ các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Các Hội thảo rất ấn tượng như: “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024; công bố ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023”. Hội thảo quốc tế thường niên phối hợp với ADBI với chủ đề “Policy Lessons for a post-COVID 19 Recovery” được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản). Hội thảo quốc tế với Bộ Du lịch Campuchia được tổ chức tại Xiem Riep (Campuchia) với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh và bền vững tại Việt Nam và Campuchia trong bối cảnh mới”. Hội thảo quốc tế thường niên phối hợp cùng Đại học Quốc gia Úc tổ chức tại Canberra (Úc) với chủ đề “Vietnam Policy and Economy Update 2024”.
Cũng trong năm 2024, ĐHKTQD tiếp tục liên kết xuất bản giữa Tạp chí Kinh tế và Phát triển số tiếng Anh với Nhà xuất bản Emerald. Sau khi được chính thức ghi tên vào danh sách các tạp chí thuộc danh mục Scopus, Tạp chí Kinh tế và Phát triển tiếp tục được ghi tên vào danh mục các tạp chí mới nổi (ESCI) thuộc Web of Science trong tháng 8 năm 2024. Đây là bước tiến lớn sau 30 năm xây dựng và phát triển Tạp chí Kinh tế và Phát triển, dấu mốc quan trọng trong 68 năm xây dựng và phát triển Đại học Kinh tế Quốc dân.
PV: Năm 2025, ĐHKTQD có định hướng hoạt động NCKH như thế nào, thưa GS?
Đại học tiếp tục triển khai công tác xây dựng, ban hành; tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định, văn bản hướng dẫn liên quan đến KHCN. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích và tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Tiếp tục hợp tác chuyên sâu và có hiệu quả với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội... các địa phương, các doanh nghiệp và đề xuất kịp thời các khuyến nghị chính sách đối với những vấn đề quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tập trung đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ nghiên cứu và đào tạo; từng bước hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc trên cơ sở hợp tác lâu dài giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học và đối tác nước ngoài. Tiếp tục tăng nhanh số lượng cũng như chất lượng các công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục WoS và Scopus, đảm bảo số công bố quốc tế trên một giảng viên đạt tỷ lệ cao nhất trong số các trường đại học khối kinh tế và tiệm cận với các trường đại học lớn trong khu vực.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong NCKH, các dự án với các tổ chức nghiên cứu và trường đại học trên thế giới; phối hợp tổ chức các hội thảo quốc tế tại các trường có uy tín hàng đầu thế giới; xây dựng các chương trình trao đổi khoa học để thu hút nhiều nhà nghiên cứu, học giả, các chuyên gia nước ngoài có uy tín đến hợp tác NCKH, tham gia chung các dự án nghiên cứu, hợp tác công bố quốc tế, tham gia trao đổi nghiên cứu (fellowship), đồng tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế...
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.
Nguồn: Báo Dân trí