Trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025, phóng viên Báo Nhân dân đã phỏng vấn GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân về hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin của Đại học.
PV: Thưa GS.TS Phạm Hồng Chương. Xin Giáo sư giới thiệu về chiến lược chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin của Đại học Kinh tế Quốc dân?
GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân
Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một xu hướng phát triển tất yếu tại các cơ sở giáo dục đào tạo. Chiến lược phát triển đến năm 2030 của Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) đã xác định quyết tâm đi tiên phong trong chuyển đổi số, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp đạt chuẩn quốc tế. Ngay từ giữa những năm 2000, Nhà trường đã vận hành phần mềm quản lý đào tạo và đến năm 2016, đã xây dựng phần mềm tổng thể cho phép điều hành tập trung các hoạt động từ quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học tới quản trị nhân sự, tài chính. Hệ thống CNTT bao gồm cả phần cứng và phần mềm, luôn được chú trọng đầu tư, hoàn thiện và cải tiến, cập nhật qua từng năm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển.
Trong bối cảnh phát triển theo mô hình mới, ĐHKTQD tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, học tập và quản trị đại học, hướng tới mô hình đại học thông minh. Công tác số hóa được tăng cường trên khắp các mặt hoạt động từ tuyển sinh, nhập học, đăng ký môn học trực tuyến tới phân công giảng dạy, quản lý giảng đường... ĐHKTQD đã bước đầu phát triển và ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo nhằm hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, đào tạo và NCKH. Những cơ sở dữ liệu trực tuyến của các nhà xuất bản hàng đầu trên thế giới cũng như trong nước đã được lựa chọn, xử lý và tập hợp thành tài liệu cho từng môn học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên. CNTT và chuyển đổi số đã tạo nền tảng cho việc đổi mới mạnh mẽ phương thức đào tạo ttheo quan điểm lấy người học làm trung tâm. Hiện nay, ĐHKTQD đang triển khai để tiến tới thi trên máy 100% (bao gồm cả thi tự luận). Phương thức đào tạo bài giảng - thảo luận (lecture - seminar) kết hợp với học tập đa phương thức (blended learning) đang được từng bước áp dụng để hướng tới sự đột phá trong chất lượng và hiệu quả.
Sau nhiều năm chuẩn bị, với một đội ngũ các nhà khoa học trẻ và tài năng, năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân đã thành lập Trường Công nghệ và phát triển 5 ngành học mới: Khoa học dữ liệu; Trí tuệ nhân tạo; An toàn thông tin; Hệ thống thông tin; Kỹ thuật phần mềm. Đồng thời đưa môn học nền tảng về khoa học dữ liệu thành môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo của toàn bộ các ngành kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh.
PV. Những hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng CNTT diễn ra như thế nào trong năm 2024, thưa Giáo sư?
Năm 2024, ĐHKTQD đã hoàn thành dự án Đầu tư trang thiết bị ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyển đổi số và xây dựng khóa học trực tuyến phục vụ đào tạo trình độ Đại học. Nằm trong dự án “Triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong dạy, học tại các cơ sở giáo dục đại học”, ĐHKTQD được cấp kính phí và đã đưa vào sử dụng 41 phòng học thông minh, 01 phòng studio và xây dựng 10 bộ học liệu điện tử cho 10 môn học dùng chung cho khối ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh. Hệ thống học liệu số tiếp tục được ĐHKTQD mở rộng và triển khai cho năm 2025, tiến tới hình thành kho học liệu số dùng chung cả nước.
Hệ thống quản trị tổng thể của Đại học được đầu tư hoàn thiện đảm bảo yêu cầu thực hiện kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, tích hợp các dịch vụ trực tuyến và kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS) của Bộ Giáo dục và Đào tạo; từng bước tiến tới Đại học thông minh. Hệ thống cơ sở dữ liệu, học liệu, quản lý học tập (LMS) tiếp tục được đầu tư. Trong năm 2024, ĐHKTQD đã cập nhật thêm 20 giáo trình mới lên ĐHKTQD Reader, đưa tổng số giáo trình trong kho dữ liệu trực tuyến lên tới gần 400 cuốn, phục vụ 150.000 lượt tải sách. Triển khai đưa 10 khóa học trực tuyến trong Dự án 03 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho gần 1.000 sinh viên học trải nghiệm. Tiếp tục kết nối hệ thống phần mềm tổng thể và LMS, đồng bộ 12.500 lớp học phần. Hệ thống phần mềm giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và Bộ phận một cửa, một cửa liên thông của Đại học tiếp tục được hoàn thiện, cập nhật; phục vụ tối đa nhu cầu của người học, viên chức, người lao động ĐHKTQD.
Năm 2024, ĐHKTQD đã phục vụ trên 11.500.000 lượt truy cập trang Cổng thông tin điện tử, và 60.000 lượt truy cập Thông tin nội bộ. Hoạt động bảo trì hệ thống máy tính, hạ tầng truyền dẫn được thực hiện trong toàn Đại học với 1.100 máy tính được kiểm tra, bảo trì. Nhà trường đã cài đặt và triển khai thử nghiệm các giải pháp phòng chống mã độc, phòng chống tấn công DDOS cho 60 máy chủ. ĐHKTQD đã triển khai kiếm thử và đánh giá bảo mật thông tin đối với 12 trang web; triển khai mở rộng phòng chống tấn công mã độc và phần mềm diệt virus phạm vi toàn Đại học.
Năm 2024 cũng ghi nhân việc phát triển và hoàn thiện đối với 5 phần mềm mới phục vụ công tác quản lý và đào tạo như đảm bảo chất lượng, quản lý hồ sơ sức khỏe, quản lý hoạt động hợp tác quốc tế, phần mềm đọc sách mới cho người học, chatbotAI, hệ thống cyberwork. Phần mềm cyberwork và phần mềm quản lý công việc tích hợp với chữ ký số đã bước đầu triển khai đưa vào sử dụng trong năm 2024, đánh dấu điểm sáng trong hoạt động ứng dụng CNTT của ĐHKTQD
PV: Xin Giáo sư gợi ý một vài định hướng cho hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng CNTT của Đại học năm 2025?
Trong năm 2025, ĐHKTQD tiếp tục trên con đường chuyển đổi thành một đại học số, đại học thông minh và đại học xanh, không sử dụng giấy. Để thực hiện những mục tiêu này, bên cạnh việc triển khai hệ thống quản lý công việc Cyberwork trong toàn Đại học, hoàn thiện phần mềm tổng thể, v.v. Nhà trường sẽ tập trung vào các công việc chủ yếu sau đây:
Trước hết là tăng cường học liệu số. Trong năm 2024, ĐHKTQD đã thỏa thuận xong về nguyên tắc với các nhà xuất bản để năm 2025 sẽ đưa vào sử dụng khoảng hơn 400 cuốn giáo trình bằng tiếng Anh của các nhà xuất bản hàng đầu trên thế giới dưới hình thức sách điện tử (ebook) cho phép sinh viên và giảng viên có được cuốn giáo trình điện tử của riêng mình, có thể tùy ý ghi chú, nhận xét, v.v. theo nhu cầu. ĐHKTQD sẽ tiến tới mỗi môn học sẽ có ít nhất 01 cuốn giáo trình tiếng Anh. Kế hoạch triển khai học liệu số, bao gồm 9 thành phần (Đề cương môn học, giáo trình điện tử tiếng Việt/ tiếng Anh, tài liệu tham khảo, slides bài giảng, video bài giảng, bài giảng audio, sách tham khảo audio, điển hình nghiên cứu) sẽ được triển khai thí điểm cho các môn học cơ bản sau đó mở rộng cho tất cả các môn học khác. Năm 2025, cũng sẽ là năm Nhà trường xúc tiến thành lập Trung tâm dữ liệu của cả Đại học, là nơi tìm kiếm tập hợp và phân tích các nguồn dữ liệu phục vụ các nhu cầu nghiên cứu, tư vấn.
Đầu tư mạnh mẽ vào các phòng học thông minh là một định hướng ưu tiên của ĐHKTQD. Dự kiến, đến hết năm 2025 sẽ có khoảng 200 phòng học thông minh được đưa vào sử dụng. Bên cạnh các phòng giảng đường (lecture hall) cho phép sinh viên có thể học trực tuyến hoặc tải các băng video bài giảng về là các phòng học seminar được bố trí linh hoạt để sinh viên thảo luận theo theo nhóm nhỏ với màn hình thông minh và các phần mềm kết nối, xử lý linh hoạt. Các phòng học này cũng sẵn sàng trở thành các phòng thi thông minh nhờ các công cụ có sử dụng AI đảm bảo tính liêm chính nhưng vẫn đem lại sự thuận tiện cao nhất.
Tăng cường kết nối là một định hướng ưu tiên khác của ĐHKTQD. Trước hết là sự kết nối của các phần mềm trong hệ thống CNTT của Nhà trường để đảm bảo sự vận hành hiệu quả và thống nhất. Các phần mềm mới phát triển sẽ được tích hợp với phần mềm tổng thể. Nhà trường cũng sẽ xây dựng cổng kết nối với dữ liệu của Tổng cục thống kê và các đối tác khác để phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, đào tạo của giảng viên và người học. Toàn bộ hệ thống wifi tại khu vực giảng đường sẽ được nâng cấp lên chuẩn wifi 6; tăng cường, tối ưu băng thông internet để phục vụ tốt nhu cầu ngày càng tăng của người học. Chắc chắn, năm 2025 sẽ là một bước tiến mới trong hành trình phát triển của ĐHKTQD.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.
Nguồn: Báo Nhân dân