Một trong những dấu ấn quan trọng nhất của nhà trường năm 2024 là chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD). Trước thềm năm mới 2025 và Xuân Ất Tỵ, phóng viên đã có buổi phỏng vấn PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐHKTQD.
PV: Thưa PGS.TS Bùi Đức Thọ, xin ông cho biết, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường ĐHKTQD thành ĐHKTQD có ý nghĩa như thế nào?
Ngày 15/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định chuyển Trường ĐHKTQD thành ĐHKTQD, đây là dấu mốc phát triển rất quan trọng đối với ĐHKTQD.
Việc chuyển Trường ĐHKTQD thành ĐHKTQD cũng là kết quả của cả quá trình chuyển đổi mô hình quản trị vươn tầm quốc tế mà đại học đã thực hiện.
Khi chính thức được chuyển thành Đại học, ĐHKTQD sẽ có điều kiện để tiếp tục triển khai cơ chế quản trị đại học hiện đại, ở đó quyền tự chủ sẽ được phát huy hơn, được phân cấp sâu hơn, các nguồn lực sẽ được khai thác hiệu quả hơn và đích hướng đến là chất lượng đào tạo được nâng cao.
PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Quốc dân
Giảm đầu mối, tăng quyền tự chủ
PV: Xin PGS cho biết, mô hình và cơ chế quản trị của ĐHKTQD có thay đổi gì và những lợi ích đem lại là gì?
Để chuyển thành Đại học, Trường ĐHKTQD đã thành lập 3 trường trực thuộc, gồm: i) Trường Kinh tế và Quản lý công; ii) Trường Kinh doanh; và iii) Trường Công nghệ.
- Trường Kinh tế và Quản lý công được thành lập trên cơ sở các khoa/viện sau: Khoa Kinh tế học, Khoa Kế hoạch và Phát triển, Khoa Khoa học Quản lý, Khoa Đầu tư, Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Khoa Luật, Khoa Lý luận chính trị, Khoa Ngoại ngữ kinh tế.
- Trường Kinh doanh được thành lập trên cơ sở Khoa Quản trị Kinh doanh, Viện Quản trị kinh doanh, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Khoa Bảo hiểm, Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Khoa Marketing, Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, Khoa Du lịch và Khách sạn.
- Trường Công nghệ được thành lập trên cơ sở Khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Khoa Công nghệ thông tin, Khoa Toán kinh tế, Khoa Thống kê, Khoa Hệ thống thông tin quản lý, Khoa Khoa học cơ sở.
Đồng thời, các bộ môn ở các khoa thuộc các trường đã được xóa bỏ, không còn nằm trong cơ cấu tổ chức của Đại học. Như vậy, chức năng quản lý chuyên môn thuộc quyền hạn, trách nhiệm của bộ môn trước kia, được chuyển thành trách nhiệm của các khoa. Lãnh đạo khoa có thể phân cấp, ủy quyền cho cán bộ có năng lực để thực hiện quản lý các nhóm môn học. Một số chức năng, trước kia, thuộc quyền hạn và trách nhiệm của cấp khoa đã được chuyển lên cấp trường thuộc Đại học.
Hiện nay, mô hình tổ chức của ĐHKTQD vẫn đang được tiếp tục chuyển đổi. Cụ thể, các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ mang tính tương đồng sẽ được sáp nhập để hình thành nên các ban thuộc Đại học. Đồng thời, chức năng, nhiệm vụ của trường thuộc Đại học, của các khoa thuộc trường sẽ được rà soát, điều chỉnh để đảm bảo sự rõ ràng trong chức trách, nhiệm vụ; tránh sự chồng chéo, cũng như tránh việc bị bỏ trống không có đơn vị chịu trách nhiệm đối với những công việc cần phải thực hiện.
Theo đó, tiến tới, bộ máy tổ chức được triển khai quản lý theo mô hình đại học gồm 03 cấp: Cấp Đại học (Cấp 1) - Trường/Ban/Viện (Cấp 2) - Khoa/Trung tâm (Cấp 3).
Như vậy, với việc thành lập 3 trường thuộc đại học, số đầu mối đơn vị cấp 2 của Đại học đã giảm đi 19 đầu mối, các đơn vị được sáp nhập thành Ban cũng sẽ giảm đầu mối cấp 2 là các phòng chức năng hiện có.
Việc thay đổi mô hình tổ chức này, giúp tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối thuộc đại học mà trước kia thuộc trường đại học. Đây chính là tiền đề cho việc nâng cao hiệu quả trong quản trị đại học. Đồng thời, việc tổ chức lại bộ máy quản trị cũng sẽ góp phần đưa cơ chế mới vào hoạt động, mà ở đó quyền tự chủ được phân cấp sâu hơn, phát huy hơn tính năng động, tính chủ động của các đơn vị. Các trường thuộc ĐHKTQD sẽ có tính độc lập tương đối mà mô hình cấp khoa trước kia không có. Chính tính độc lập tương đối này mà các trường sẽ có động lực và trách nhiệm hơn để vươn lên và khẳng định những đóng góp cho sự phát triển của đại học.
Đại học Kinh tế Quốc dân nhận chứng chỉ kiểm định chất lượng quốc tế của tổ chức kiểm định FIBAA
Một lợi ích khác khi chuyển đổi mô hình tổ chức để chuyển sang ĐHKTQD là việc giảm thiểu tính cát cứ, cục bộ giữa các bộ môn. Các bộ môn trước kia, như những thửa ruộng nhỏ, cán bộ giảng viên ở bộ môn nào thì chú tâm chăm chút cho bộ môn đó. Nay, tầm nhìn được rộng hơn, không còn thửa ruộng nhỏ nữa, giảng viên sẽ nhìn thấy cái chung ở phạm vi lớn hơn. Điều này cũng là tiền tố quan trọng để cắt giảm sự trùng lắp giữa các môn học thuộc các bộ môn khác nhau. Giảng viên sẽ không phải phụ trách nhiều môn học, thay vào đó là tập trung sâu vào số ít môn học được phân công giảng dạy. Sự thay đổi này sẽ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo của ĐHKTQD.
Kế thừa phát huy giá trị lịch sử, văn hóa
PV: Xin PGS cho biết, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi thành ĐHKTQD và hướng tháo gỡ, khắc phục?
ĐHKTQD có bề dày lịch sử với 68 năm xây dựng và phát triển với nhiều giá trị văn hóa đáng trân trọng. Giá trị lịch sử, văn hóa của đại học là vốn quý đáng trân trọng, qua đó phát huy được niềm tự hào của ĐHKTQD. Bên cạnh đó, ĐHKTQD có quy mô lớn với trên một ngàn cán bộ giảng viên, trên 40 ngàn sinh viên. Chính những yếu tố này đã làm nên sức mạnh và hình ảnh, thương hiệu của ĐHKTQD. Tuy nhiên, cũng chính yếu tố này lại tạo nên sức ỳ của hệ thống trước những yêu cầu thay đổi. Việc chuyển thành Đại học không phải là một cuộc cách mạng phải đạt được bằng mọi giá. Trong quá trình chuyển đổi, phải đảm bảo duy trì và phát huy được giá trị lịch sử và văn hóa mà các thế hệ thày và trò ĐHKTQD đã vun đắp. Đồng thời vẫn đảm bảo được yêu cầu có tính chất khoa học trong tổ chức và vận hành quản trị đại học hiện đại. Những yêu cầu đa mục tiêu được đặt ra trong quá trình chuyển đổi đã dẫn đến việc chuyển đổi cần lộ trình dài hơn.
Do vậy, mặc dù đến thời điểm này, mô hình ĐHKTQD đã chính thức được phê duyệt, quá trình chuyển đổi sẽ vẫn được tiếp tục ở cả góc độ tổ chức bộ máy và thể chế hoạt động. Vì thế, khó khăn hiện nay là mô hình tổ chức bộ máy chưa được tối ưu, thể chế vẫn còn những điểm chưa rõ ràng và chưa đáp ứng được yêu cầu về tính khoa học trong tổ chức và vận hành.
Hoạt động tư vấn tuyển sinh cho thí sinh được ĐHKTQD tổ chức thường niên
Trong thời gian tới, ĐHKTQD sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi để trở thành mô hình quản trị đại học hiện đại, hiệu quả, đặt mục tiêu chất lượng đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng lên hàng đầu. Lộ trình đến hết tháng 3 năm 2025 sẽ hoàn thành việc tái cấu trúc bộ máy tổ chức Đại học cũng như các quy chế vận hành trong quản trị đại học. Đề án vị trí việc làm, đề án tiền lương trả theo mô hình 3P, (Position, Person, Performance) cũng sẽ được cập nhật và điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của quản trị đại học.
Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐHKTQD.
Nguồn: Báo Tiền phong